Xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là gì, thủ tục hải quan, quy định, mới nhất về xuất nhập khẩu tại chỗ?

29/11/2018

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì, quy định, chính sách mới nhất về xuất nhập khẩu tại chỗ?

Theo truyền thống, xuất khẩu nhập khẩu là phải xuất hàng là ra nước ngoài, nhập hàng từ nước ngoài về, hàng hoá phải đi qua cửa khẩu hoặc. Vậy xuất nhập khẩu tại chỗ là gì, có những quy định, chính sách nào mới nhất? 

Xuất nhập khẩu tại chỗ là gì?

Xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu là việc chúng bán hàng đi các nước khác. 

Vậy còn "xuất khẩu tại chỗ” là thế nào?

Xuất khẩu tại chỗ là giao hàng tại chỗ, trên lãnh thổ Việt Nam, thay vì phải chở ra nước ngoài như xuất khẩu thông thường mà chúng ta vẫn thấy. Điều này xuất hiện khi người mua nước ngoài muốn hàng họ mua được giao cho đối tác của họ ngay tại Việt Nam.

Vậy chốt lại, Xuất khẩu tại chỗ là hình thức mà hàng hoá được các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài nhưng lại giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với đặc trưng của Xuất khẩu tại chỗ, khi làm chứng từ và các nghiệp vụ liên quan đế hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, bạn cần lưu ý 3 yếu tố cốt lõi sau đây:

+ Bán hàng (xuất khẩu) cho thương nhân nước ngoài

+ Địa điểm giao hàng tại Việt Nam

+ Thông tin người nhận hàng do người mua hàng nước ngoài cung cấp

Quy định, chính sách mới nhất về hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

Với hàng hoá xuất nhập khẩu tại chỗ áp dụng đối với hàng hoá do thương nhân Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất) xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài nhưng theo chỉ định của thương nhân nước ngoài hàng hoá đó được giao tại việt Nam cho thương nhân Việt Nam khác.

– Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ coi như hàng xuất khẩu; hàng hoá nhập khẩu tại chỗ coi như hàng nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

– Căn cứ để xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hoá phải có hai hợp đồng riêng biệt:

+ Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam;

+ Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam.

– Người xuất khẩu tại chỗ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp xuất khẩu): chính là người được thương nhân nước ngoài chỉ định giao hàng tại Việt Nam.

– Người nhập khẩu tại chỗ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp nhập khẩu) : là người mua hàng của thương nhân nước ngoài nhưng được thương nhân nước ngoài chỉ định nhận hàng tại Việt Nam từ người xuất khẩu tại chỗ.

Hàng hoá được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy trình này gồm:

– Hàng hoá do doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng cho doanh nghiệp khác tại ViệtNam (theo chỉ định của thương nhân nước ngoài) để làm nguyên liệu sản xuất hàng hoá xuất khẩu (kể cả làm nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài);

– Hàng hoá được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng dẫn củạ Bộ Thương mại;

– Sản phẩm gia công được nhập khẩu tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất;

– Các trường hợp khác được Bộ Thương mại có văn bản cho phép thực hiện theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.

Việc kiểm tra thực tế hàng hoá không áp dụng theo Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan; những trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hoá được quy định tại bước 2, mục IV Quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ quyết định cụ thể lô hàng nào phải kiểm tra.

Thủ tục Hải quan về xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể như sau:

"1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:

a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

2. Thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện do người khai hải quan lựa chọn và theo quy định của từng loại hình.

3. Hồ sơ hải quan

Hồ sơ hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. 

Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thì người khai hải quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính thay cho hóa đơn thương mại. 

4. Thời hạn làm thủ tục hải quan 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu và sau khi hoàn thành việc giao nhận hàng hóa, người nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan. 

5. Thủ tục hải quan 

a) Trách nhiệm của người xuất khẩu:

a.1) Khai thông tin tờ khai hàng hóa xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp, trong đó ghi rõ vào ô “Điểm đích cho vận chuyển bảo thuế” là mã địa điểm của Chi cục Hải quan làm thủ tục hải quan nhập khẩu và ô tiêu chí “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;

a.2) Thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định;

a.3) Giao hàng hóa cho người nhập khẩu sau khi hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan.

b) Trách nhiệm của người nhập khẩu:

b.1) Khai thông tin tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó ghi rõ số tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô “Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp” trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này hoặc ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan giấy;

b.2) Thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định;

b.3) Chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

c) Trách nhiệm của cơ quan hải quan làm thủ tục xuất khẩu: Thực hiện thủ tục xuất khẩu theo quy định tại Chương II Thông tư này;

d) Trách nhiệm của cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu: 

d.1) Theo dõi những tờ khai hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành thủ tục hải quan để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu;

d.2) Tiếp nhận, kiểm tra theo kết quả phân luồng của Hệ thống. Trường hợp phải kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu hàng hóa đã được kiểm tra thực tế tại Chi cục Hải quan xuất khẩu thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu không phải kiểm tra thực tế hàng hoá;

d.3) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài thì hàng tháng tổng hợp và lập danh sách các tờ khai hàng hóa nhập khẩu tại chỗ đã được thông quan theo mẫu số 20/TKXNTC/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức, cá nhân nhập khẩu tại chỗ.

6. Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên và các đối tác mua bán hàng hóa với doanh nghiệp ưu tiên; doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan và đối tác mua bán hàng hóa cũng là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng với cùng người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau. Việc khai hải quan được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc giao nhận hàng hóa. Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại 01 Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại doanh nghiệp và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra."

Theo customs.gov.vn, quangninhcustoms.gov.vn