Xuất khẩu của Việt Nam: Ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, lại thiếu vắng các doanh nghiệp có tính hiệu quả theo quy mô để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” diễn ra ngày 8/8, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hiện nay xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Tuy nhiên lại thiếu vắng các doanh nghiệp có tính hiệu quả theo quy mô để tham gia vào các chuỗi. Đáng chú ý, vai trò của các khu/cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế.
Theo phân tích của bà Phạm Chi Lan, hiện quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng chiếm 29,5% và sản xuất hàng hoá và dịch vụ chiếm 24,8%. Trong khi đó, khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác. Mối liên kết ngược và liên kết xuôi còn hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan toả của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam.
“Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp, hoặc đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn”, vị chuyên gia kinh tế này phân tích.
Đứng trước ngà rẽ này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi chỉ có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2 - 5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan toả từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước và rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ cũng thừa nhận, mặc dù giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng tốt, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Không chỉ hàng dệt, nhóm hàng nông sản, hầu hết sản phẩm chưa chiếm lĩnh được thị trường bởi vấn đề nằm ở khâu chế biến, trong đó, các mặt hàng nông, thủy sản chủ yếu vẫn đang xuất khẩu thô.
Các doanh nghiệp lớn cần cải thiện hệ thống quản trị
Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô; Năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh. Đặc biệt, cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Doanh nghiệp cần nâng cao mức độ tinh thông trong hoạt động như kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý bên trong giúp doanh nghiệp đạt được năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất có thể”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp trọng tâm như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; Xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu; Đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; Tăng cường và đổi mới thông tin thị trường; Cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu...
Theo VnMedia