Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: Khó áp dụng trên thực tế

23/11/2017

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: Khó áp dụng trên thực tế

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: Khó áp dụng trên thực tế

Theo Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra từ cấp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đến các cục hải quan các tỉnh, thành phố và qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng khác, trong thời gian qua đã phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm mỗi năm. Cụ thể, lần lượt trong các năm 2013, 2014, 2015 là 21.200 vụ, 18.448 vụ, 18.448 vụ.

Trong năm 2016, tổng số vụ vi phạm tuy có giảm còn 15.489 vụ nhưng tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến trên 416 tỷ đồng và chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Hải quan phát hiện và xử lý số vụ vi phạm lên tới 8.032 vụ. Trong đó có 3.466 vụ vụ vi phạm về thủ tục hải quan; 106 vụ vi phạm về kiểm soát hải quan; 2.458 vụ vi phạm bị xử phạt do khai sai về thuế, trốn thuế, gian lận thuế; 165 vụ vi phạm về chính sách mặt hàng và 1.532 vụ vi phạm khác.

Trong những năm qua, công tác XLVPHC đã được các đơn vị trong toàn ngành Hải quan triển khai đầy đủ, toàn diện. Nhiều đơn vị đã xác định được yêu cầu và tầm quan trọng của công tác này, đã chủ động tập hợp vướng mắc, tổ chức tập huấn nghiệp vụ để nâng cao khả năng thực hiện nghiệp vụ về XLVPHC, công tác tham gia tố tụng hành chính tại Tòa.

Việc phát hiện vi phạm pháp luật, xác lập hồ sơ xử lý, giải quyết các vụ việc, về cơ bản đã được các đơn vị thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả, theo trình tự, thủ tục, đảm bảo tuân thủ pháp luật XLVP về thẩm quyền, mức phạt và các căn cứ pháp lý trong các quyết định hành chính một cách đầy đủ và chặt chẽ.

Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện hàng năm luôn ở mức cao, tuy nhiên, trong công tác XLVPHC lại gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến nguyên tắc xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Cụ thể, một số quy định trong Luật XLVPHC chưa rõ ràng, thiếu phù hợp với thực tế dẫn đến khó áp dụng thực hiện. Dẫn chiếu cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, quy định về nguyên tắc xử phạt “Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, quy định này lại chưa làm rõ trường hợp “VPHC nhiều lần” thì có bị xử phạt về từng lần vi phạm hay chỉ bị xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần”. Vì vậy, có thể dẫn đến việc xử lý thiếu thống nhất. Hơn thế, việc xác định tình tiết tăng nặng “VPHC có quy mô lớn, số lượng hoặc giá trị hàng hoá lớn” là rất khó vì không có căn cứ để xác định.

Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền tịch thu tang vật bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện việc xử phạt đối với những vụ việc vượt thẩm quyền của Cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan.

Luật XLVPHC cũng như Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 đã được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC chưa giải quyết được vướng mắc liên quan đến việc xác định trị giá tang vật VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với một số loại hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm nhập (pháo nổ, đồ chơi bạo lực...) hoặc hàng hóa thuộc danh mục quản lý Cites (ngà voi, sừng tê giác...)

Tương tự, các quy định về: Trình tự, thủ tục xử phạt; công bố công khai việc xử phạt VPHC; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC... cũng còn nhiều hạn chế dẫn đến khó áp dụng trong thực tiễn.

Đặc biệt, qua báo cáo từ các cục hải quan tỉnh, thành phố và qua công tác kiểm tra việc thực hiện XLVPHC trong toàn Ngành cho thấy vẫn còn có một số hạn chế, lúng túng trong việc thực hiện nghiệp vụ XLVPHC, như: Kỹ năng phát hiện hành vi vi phạm, xác định hành vi vi phạm; kỹ năng lập biên bản VPHC; xác định văn bản áp dụng trong việc ra quyết định XLVPHC, xác định thẩm quyền xử phạt, mức phạt, thiết lập hồ sơ vụ vi phạm…

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác XLVPHC về hải quan và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác XLVPHC nói chung và cán bộ làm công tác XLVPHC trong lĩnh vực hải quan nói riêng, Tổng cục Hải quan đề xuất: Trước hết, về mặt cơ chế, chính sách, Bộ Tư pháp cần xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định của Luật XLVPHC còn chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, giải đáp các vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Về tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xử lý, Tổng cục Hải quan cũng như các đơn vị có thực hiện công tác XLVPHC thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ XLVPHC chuyên sâu; phổ biến kinh nghiệm, các tình huống thường gặp trong quá trình XLVPHC trong các lĩnh vực khác nhau để các đơn vị cùng học tập, rút kinh nghiệm.

Đối với các cấp được giao thẩm quyền XLVPHC, cần rà soát, xây dựng phương án bố trí hệ thống tổ chức và cán bộ làm công tác tham mưu xử lý phù hợp với yêu cầu của công việc. Lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, am hiểu pháp luật, chuyên môn sâu, có kinh nghiệm trong thực tiễn để đảm đương công tác XLVPHC.

Việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp khác để giúp các DN, cá nhân liên quan nắm rõ các quy định của pháp luật về XLVPHC cũng là một trong những giải pháp quan trọng được ngành Hải quan đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.