Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, Việt Nam đã được 69 quốc gia công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Điều này thực sự quan trọng, có nghĩa Việt Nam được coi là nền kinh tế có giá cả thị trường được quyết định bởi sự cạnh tranh cởi mở, chứ không phải bởi sự can thiệp của nhà nước.
Việc Việt Nam được nhiều quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường như vậy đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế trong vòng một thập kỷ qua, với xuất khẩu được cải thiện và mở rộng đến nhiều thị trường hơn. Điều này cũng chứng tỏ rằng, Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng sang một nền kinh tế mở hơn.
Sự chuyển đổi và hội nhập sâu rộng hơn của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và khu vực đã được thúc đẩy bởi ASEAN, trong đó, Việt Nam trở thành thành viên từ năm 1995. ASEAN là thực thể kinh tế đầu tiên công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường vào năm 2007.
Hai năm sau đó, Australia và New Zealand công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Năm 2012, Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (bao gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ và Liechtenstein) cũng công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Trái ngọt từ đầu tư và thương mại
Việc Việt Nam được nhiều các đối tác thương mại công nhận có nền kinh tế thị trường đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại cho đất nước, bao gồm nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Các hiệp định này đã giúp nền kinh tế Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân khá cao, hơn 6,5%/năm trong những năm qua. Tuy nhiên, để có thể duy trì được mức tăng trưởng cao trong giai đoạn phát triển tiếp theo, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi các ngành thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao.
Nhằm tăng cường đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh với tầm nhìn xây dựng mô hình tăng trưởng có năng suất cao hơn, Việt Nam đang khát khao tìm kiếm những cơ hội mới trong việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư. Những hiệp định thương mại lớn sắp tới bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - giữa ASEAN và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Được khởi xướng từ năm 2012, RCEP có mục tiêu thiết lập một khu vực mậu dịch tự do khu vực rộng lớn, chiếm 50% dân số toàn cầu, khoảng 30% GDP toàn thế giới và hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Thông qua việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong RCEP, Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường được sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí nhập khẩu công nghệ mà Việt Nam cần có để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Còn đối với EVFTA, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam mở rộng đáng kể những cơ hội đầu tư và thương mại, vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. EVFTA - được kỳ vọng có hiệu lực vào năm 2019 sau khi được phê chuẩn vào năm 2018 - sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn 28 thị trường của Liên minh châu Âu (EU), vốn là những thị trường lớn nhất của các sản phẩm điện tử của Việt Nam. Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn dòng đầu tư chất lượng cao hơn từ EU.
Ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, khoảng 85,6% dòng thuế của EU đối với hàng hóa Việt Nam sẽ được dỡ bỏ. Bảy năm sau đó, tỷ lệ này sẽ tăng lên 99%. Tuy nhiên, những quy tắc về xuất xứ hàng hóa có thể không làm tăng xuất khẩu của Việt Nam vào EU ngay lập tức.
Việt Nam cũng sẽ có chính sách tương tự đối với hàng hóa của EU và sẽ dỡ bỏ hầu như tất cả các dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU trong vòng 10 năm.
Quy chế kinh tế thị trường từ tất cả thành viên WTO
Đối với Việt Nam, việc đạt được quy chế này từ WTO luôn là chính sách ưu tiên hàng đầu. Việc đạt được quy chế này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường theo quy định của WTO thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu.
Nếu như một nước đối tác thương mại chưa được WTO công nhận có nền kinh tế thị trường, thì nước nhập khẩu hàng hóa từ nước đối tác này có thể sử dụng công cụ thay thế để quyết định xem các hàng hóa nhập khẩu có được bán với các mức giá thấp thiếu công bằng hay không và sau đó có thể tính toán phạm vi áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thông qua việc sử dụng các phương pháp luận của mình, chứ không sử dụng các dữ liệu từ nước xuất khẩu.
Việt Nam chưa được Hoa Kỳ và EU công nhận có nền kinh tế thị trường, vì Hoa Kỳ và EU vẫn cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc được công nhận có nền kinh tế thị trường từ tất cả các thành viên của WTO, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, sẽ là điều đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng suất lao động và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Việc ký kết và thông qua EVFTA cũng được kỳ vọng, EU sẽ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.