Việt Nam có 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng chỉ đóng góp 3-4% GDP
Sáng 7/12, Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 6 diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”. Ngành logistics Việt Nam đóng góp vào GDP còn rất khiêm tốn, mới 3-4%, ngược lại chi phí logistics trong chi phí của doanh nghiệp thì rất cao, ngược lại với thế giới.
Đó là điều được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra sáng 7/12.
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện được Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam và một số cơ quan tổ chức thường niên từ 2013 đến nay. Năm nay, diễn đàn được tổ chức tại thành phố Hạ Long với sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Ninh. Việc lựa chọn Quảng Ninh, một tỉnh đang có bước phát triển mạnh mẽ để tổ chức diễn đàn năm nay, theo Phó thủ tướng có ý nghĩa rất quan trọng.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp tăng lên không ngừng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đảm nhiệm ngày càng nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng, phục vụ tốt cho việc gia tăng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, lưu thông hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam, khi đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất, phát triển thị trường cũng như nâng cao nguồn lực con người phục vụ lĩnh vực này.
"Để hiện thực hóa mục tiêu logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế, cần đặc biệt lưu ý đến 4 vấn đề cốt lõi như: Kết nối, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; Đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh và cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN", Phó Thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics sẽ cùng nhau thảo luận các định hướng nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo Báo cáo của World Bank về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tại Diễn đàn sáng nay, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá năm 2018 ngành dịch vụ logistics có mức độ tăng khoảng 12-14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Đặc biệt cùng với sự quan tâm phát triển dịch vụ logistics của các cấp từ Chính phủ đến các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
"Chỉ ra những thuận lợi tạo đà cho ngành dịch vụ logistics phát triển phải kể đến nỗ lực của các Bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cùng với việc đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu lên cơ chế một cửa quốc gia, việc kiểm tra chuyên ngành cũng được cải tiến theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra... Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí logistics", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, hoạt động trong nhiều các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không… Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ. Trong khi đó, số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có trên 360 doanh nghiệp, điều đó cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.
Ông Cao Quốc Hưng cũng thẳng thắn nêu ra 1 số vấn đề lớn đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam như thách thức về hạ tầng; việc mở rộng thị trường dịch vụ; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam; cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng.
Theo Báo Giao thông