Thách thức định hướng xuất khẩu

01/02/2018

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 33,7%.

Đặc biệt, đã có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ hơn một tỷ USD, tăng thêm 4 nhóm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, điện thoại và linh kiện vẫn giữ vững phong độ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7% và dẫn đầu trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước năm 2017 với kim ngạch đạt hơn 45 tỷ USD, tăng tới 31,4% so với năm trước. 4 nhóm hàng mới góp mặt vào “câu lạc bộ tỷ USD” ngay trong tháng 1 là dệt may đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18,2%.

Tuy vậy, cũng cần biết rằng nhập khẩu trong tháng 1 ước đạt 19,3 tỷ USD, tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm 2017, tức chúng ta đã nhập siêu 300 triệu USD.Thực tế, nhận định về nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu theo tinh thần của Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo xuất khẩu Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào khoảng 3,6% trong năm nay, cũng như động lực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Đặc biệt, với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế tư nhân, môi trường kinh tế ổn định, hành lang pháp lý thông thoáng, sẽ là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm có thế mạnh của khối doanh nghiệp FDI. 

Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng đặt ra cho xuất khẩu trong năm nay. Đó là việc ứng phó với các rào cản thương mại. Rào cản thương mại, nhìn theo hướng tích cực giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, đối mới quy trình sản xuất nhằm tiến tới phát triển bền vững. Nhưng một khi dòng thuế xuất nhập khẩu tiến về mức 0% theo các FTA giữa Việt Nam với một số quốc gia có hiệu lực, rào cản phi thuế quan sẽ được dựng lên nhiều hơn, trong đó có điều tra chống bán phá giá, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa sẽ nghiêm ngặt hơn. Điều này buộc doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo về thị trường.

Bên cạnh đó, thời gian qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chủ yếu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI, nên xuất khẩu năm 2018 có thể tăng nhưng rất khó tạo ra sự đột phá. Đặc biệt việc Hoa Kỳ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, các khoản đầu tư nước ngoài của nhà đầu tư Hoa Kỳ chuyển về nước chỉ bị đánh thuế 10,5%, dự báo sẽ tác động tới Việt Nam. Theo đó, nhiều nhà đầu tư FDI tại Việt Nam sẽ chuyển sang Hoa Kỳ để được hưởng lợi thế này. Điều này đồng nghĩa một lượng lớn vốn FDI sẽ bị chuyển khỏi Việt Nam. Nghĩa là việc xuất khẩu của nhóm FDI tại Việt Nam sẽ giảm đáng kể. 

Về cơ bản tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ gặp phải những vấn đề về kiểm soát chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Ngành hàng như dệt may, da giày vốn có lợi thế là nguồn nhân công giá rẻ sẽ dần mất đi, khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì thế, việc Quốc hội và Chính phủ đặt ra con số tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 khoảng 8-10% là sự thể hiện thái độ thận trọng, không chủ quan. Với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu đạt được sẽ dao động trong khoảng 227-229 tỷ USD.

 Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như nông sản, dệt may, da giày... sẽ vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm nay và thời gian tới. Tuy nhiên, những nhóm hàng này vẫn chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI và là nhóm hàng chúng ta tập trung gia công, nên có giá trị gia tăng thấp. Bởi vậy, cần xác định và dần mở rộng, phát triển xuất khẩu những mặt hàng mới, những mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời phát triển lĩnh vực du lịch nhằm thúc đẩy phát triển phương thức xuất khẩu tại chỗ để gia tăng giá trị. Đây là lĩnh vực chúng ta đang có lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển mạnh. Và một trong những điểm quan trọng cần giải quyết trong năm 2018 và tương lai xa hơn, là dần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu nội địa.