Những điểm mới về khai báo, kiểm tra hải quan từ Nghị định 59/2018/NĐ-CP

12/05/2018

Điểm mới về khai báo, kiểm tra hải quan từ  Nghị định 59/2018/NĐ-CP

Những vấn đề về người khai hải quan; khai hải quan; thời điểm cơ quan Hải quan thông báo việc kiểm tra hải quan cho người khai hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa; kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất; xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất cũng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

Điểm mới về khai báo kiểm tra hải quan từ Nghị định 59: Bổ sung đối tượng người khai hải quan

Cụ thể, về vấn đề người khai hải quan, Nghị định 59/2018/NĐ-CP bổ sung đối tượng người thực hiện dịch vụ trung chuyển hàng hóa là người khai hải quan để phù hợp với thực tế phát sinh cũng như đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng người khai hải quan như: Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa NK để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.

Về thời điểm cơ quan Hải quan thông báo việc kiểm tra hải quan (kết quả phân luồng) cho người khai hải quan, Nghị định 59/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ tiêu chí phân loại mức độ rủi ro do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định để quyết định kiểm tra hải quan và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo một trong những hình thức: Chấp nhận thông tin khai Tờ khai hải quan để quyết định thông quan hàng hóa; Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên cổng thông tin một cửa quốc gia để quyết định việc thông quan hàng hóa hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa để quyết định thông quan. Bộ Tài chính quy định cụ thể thời điểm thông báo việc kiểm tra hải quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định cụ thể cơ quan Kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định. Bởi, theo Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ Tướng Chính phủ về cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan, trong đó Cục Kiểm định Hải quan có các chi cục kiểm định tại các tỉnh, thành phố trọng điểm là đơn vị quản lý nhà nước về kỹ thuật phân tích, phân loại hàng hóa và thực hiện kiểm tra giám sát các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật quy định đối với hàng hóa XNK.

Chính vì vậy, Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cụm từ “cơ quan Kiểm định hải quan” thay cụm từ “các tổ chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan hải quan” tại Khoản 5 Điều 29 Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Cụ thể: Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại chi cục hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu cơ quan kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.

Trường hợp cơ quan Hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa.

Điểm mới về khai báo kiểm tra hải quan từ Nghị định 59: Bổ sung trường hợp kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất XK

Để phù hợp với Luật Thuế XK, thuế NK và tránh gian lận thương mại, trốn thuế  thì Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm các trường hợp phải kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất.

Theo ban soạn thảo tại Luật Thuế XK, thuế NK quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK thuộc đối tượng được miễn thuế NK; do vậy, việc quy định kiểm tra cơ sở sản xuất đối với tổ chức, cá nhân được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định 08 là không phù hợp với Luật Thuế XK, thuế NK. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì cơ sở để miễn thuế đối với hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK là tổ chức, cá nhân phải có cơ sở sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính vì vậy, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thêm các trường hợp phải kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực gia công, sản xuất, vấn đề này được thể hiện tại Khoản 17 Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Theo đó, các trường hợp kiểm tra gồm: Tổ chức, cá nhân lần đầu tiên NK hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa XK; Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan Hải quan; Tổ chức, cá nhân NK hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công; Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện NK và sản phẩm XK ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan Hải quan; Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.

Về xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất quy định tại điểm b khoản 3 Điều 39, Nghị định 59/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi một số cụm từ để phù hợp với quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý ngoại thương. Theo đó, cụm từ “không phù hợp với ngành nghề ghi trên giấy phép kinh doanh” tại điểm b khoản 3 Điều 39 được sửa thành “hoặc thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh....”.

Theo Báo Hải quan