Kinh doanh dịch vụ Logistics bao gồm 17 loại

10/01/2018

Kinh doanh dịch vụ Logistics bao gồm 17 loại

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017, trong đó quy định 17 loại kinh doanh dịch vụ logistics.

Các loại dịch vụ kinh doanh logistics được cung cấp bao gồm:

1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.

2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.

3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.

4. Dịch vụ chuyển phát.

5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.

6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).

7. Các dịch vụ khác, bao gồm các loại hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.

8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.

9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ  vận tải biển.

10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.

11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.

12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.

13. Dịch vụ vận tải hàng không.

14. Dịch vụ vận tải đa phương thức.

15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.

16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

17. Các dịch vụ khác do thương nhân dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.

Đối với các thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc 17 loại dịch vụ logistics trên phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.

Đối với thương nhân kinh doanh một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì ngoài việc đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể nêu trên, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Nghị định cũng quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh đối với các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/1218. Các thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đã được đăng ký, cấp phép thực hiện dịch vụ logistics trước thời điểm Nghị định có hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động theo nội dung đăng ký, cấp phép.

Logistics là gì?

Logistics nếu dịch sát nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt là “hậu cần”. Tuy nhiên, để bao hàm mọi nội dung của logistics thì dường như tiếng Việt chưa có thuật ngữ tương đương.

Logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tại Việt Nam hầu hết các nhà chuyên môn đều đồng ý rằng dùng từ “hậu cần” để giải thích logistics vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ ý nghĩa về từ logistics hiện đại và do vậy giải pháp là hãy cứ để nguyên từ logistics trong ngôn ngữ nước ta.

Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), thì thuật ngữ này được định nghĩa khá đầy đủ như sau:

“Quản trị logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.”

Lịch sử logistics

Về mặt lịch sử, thuật ngữ logistics bắt nguồn từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã. Khi đó, những chiến binh có chức danh “Logistikas” được giao nhiệm vụ chu cấp và phân phối vũ khí và nhu yếu phẩm, đảm bảo điều kiện cho quân sỹ hành quân an toàn từ bản doanh đến một vị trí khác. Công việc “hậu cần” này có ý nghĩa sống còn tới cục diện của chiến tranh, khi các bên tìm mọi cách bảo vệ nguồn cung ứng của mình và tìm cách triệt phá nguồn cung ứng của đối phương. Quá trình tác nghiệp đó dần hình thành một hệ thống mà sau này gọi là quản lý logistics.

Trong thế chiến thứ hai, vai trò của “logistics” càng được khẳng định. Đội quân hậu cần của quân đội Mỹ và đồng minh tỏ ra có hiệu quả hơn của quân đội Đức. Quân Mỹ đã đảm bảo cung cấp vũ khí, đạn dược, và quân nhu đúng địa điểm, đúng thời gian, bằng những phương thức tối ưu. Nhờ phát huy ưu thế về công tác hậu cần mà Mỹ và đồng minh đã nhiều lần chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh. Cũng trong thời gian này, nhiều ứng dụng về logictics đã được phát triển và vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù đã có ít nhiều thay đổi để phù hợp với môi trường sản xuất kinh doanh.

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.

Logistics trong Luật Việt Nam

Từ logistics cũng đã được sử dụng chính thức trong Luật thương mại 2005, và được phiên âm (một cách khá “ngộ nghĩnh”) theo tiếng Việt là “lô-gi-stíc”. nói rằng:

“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.” - Điều 233 Luật thương mại.