Sau khi Nghị định 116 và Thông tư 03 được ban hành, từ 1/1/2018, hoạt động xuất khẩu ô tô của Indonesia sang Việt Nam đã bị ngưng lại. Indonesia đã cử đoàn công tác sang Việt Nam trao đổi về việc này.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, chiều 28/2, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có buổi tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Oke Nurman và đại diện Bộ Giao thông vận tải Indonesia. Tham dự buổi làm việc còn có Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi.
Nội dung buổi làm việc xoay quanh Nghị định 116 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô do Bộ GTVT Việt Nam ban hành mới đây.
Indonesia là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu xe khách sang Việt Nam, sau Thái Lan và Trung Quốc, vì vậy sau khi Nghị định 116 và Thông tư 03 được ban hành, Indonesia đã cử đoàn công tác sang trao đổi với Việt Nam để tìm hiểu về các quy định mới ban hành trong việc nhập khẩu ô tô vào thị trường Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia cho biết, Indonesia sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Việt Nam theo Nghị định 116. Tuy nhiên, Indonesia mong muốn phía Bộ GTVT Việt Nam cung cấp và hướng dẫn cụ thể về các quy định mới ban hành của Việt Nam tại Nghị định 116 và Thông tư 03 để Indonesia có những điều chỉnh cho phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu ô tô của Indonesia vào thị trường Việt Nam được thuận lợi, đúng quy định.
Thông tin từ tờ Straits Times cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto mới đây thông báo, văn phòng Bộ đã gửi thư phản đối chính sách này tới Bộ GTVT Việt Nam.
Ảnh nguồn: Internet. |
Đồng chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo) - ông Jongkie Sugiarto cho biết, các nhà sản xuất ô tô Indonesia hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu chất lượng của Việt Nam, như tiêu chuẩn khí thải Euro 4, các quy định về túi khí và hệ thống chống bó cứng phanh. Tuy nhiên, quy định về việc kiểm định xe theo từng lô là quá rắc rối.
"Việc kiểm tra từng lô xe nhập khẩu cùng một mẫu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu không đạt, lô xe sẽ bị trả lại," ông Sugiarto nói.
Cũng theo Straits Times, trước đó, ngày 27/1, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia cũng đã gửi công văn lên Bộ Công nghiệp nước này liên quan tới Nghị định 116 của Việt Nam. Công văn cho biết, 4 nhà sản xuất, xuất khẩu ô tô lớn nhất Indonesia là Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino đã phải dừng kế hoạch xuất khẩu 9.337 chiếc xe sang Việt Nam. Số xe này lẽ ra được sản xuất trong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018.
Indonesia xuất khẩu trung bình khoảng 30.000 xe ô tô sang Việt Nam mỗi năm. Năm 2017, Indonesia là nhà xuất khẩu xe ô tô nguyên chiếc (CBU) lớn thứ 3 vào Việt Nam, với tổng số xe là 16.829 chiếc, giá trị ở mức 293.736.185, đứng sau Thái Lan (38.944 chiếc, giá trị 702.870.827 USD) và Trung Quốc (11.966 xe ô tô trị giá 447.530.292 USD). Thế nhưng, kể từ ngày 1/1/2018 - thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực, việc xuất khẩu ô tô của Indonesia sang Việt Nam đã bị ngưng lại.
"Đây đúng là họa vô đơn chí, giữa lúc nhu cầu của thị trường ô tô trong nước sụt giảm, các nhà sản xuất ô tô Indonesia lại phải đối diện với việc Việt Nam đưa ra quy định siết chặt hoạt đồng nhập khẩu xe để khuyến khích ngành công nghiệp lắp ráp trong nước", Straits Times nhận định.
Theo Kinh tế và Tiêu dùng