Hải quan hướng dẫn xóa nợ và hồ sơ theo dõi nợ thuế

01/11/2018

Hải quan hướng dẫn xóa nợ và hồ sơ theo dõi nợ thuế

Tổng cục Hải quan giải đáp vướng mắc của một số cục hải quan tỉnh, thành phố khi thực hiện xóa nợ và hồ sơ theo dõi nợ thuế… trong quá trình thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Cần chứng minh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế

Gặp vướng trong quá trình thực hiện cưỡng chế thuế theo quy định tại khoản 26,  Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13, Hải quan một số tỉnh, thành phố phản ánh, một trong những điều kiện để xem xét  xóa nợ là áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH10 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 26, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung  Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13, tuy nhiên, các biện pháp sau đây không thể triển khai thực hiện được: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; Yêu cầu phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

Lý do đưa ra là người nộp thuế đã “chủ động trốn tránh” trước khi cơ quan Hải quan thực hiện cưỡng chế và phát sinh từ nhiều năm về trước. Phần lớn nợ thuế trong giai đoạn này là nợ thuế phát sinh từ người nộp thuế đã bỏ trốn, mất tích, không còn kinh doanh tại địa chỉ, tạm dừng hoạt động kinh doanh… nên ngoài biện pháp cưỡng chế ban hành quyết định dừng làm thủ tục hải quan, các biện pháp còn lại hầu như không thực hiện được.

Đây là khoản nợ không thể thu hồi được nên các đơn vị đề nghị phối hợp với Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công an phường để hỗ trợ. Nếu trường hợp các đơn vị này có văn bản xác nhận người nộp thuế đã ngừng hoạt động, giải thể, đóng mã số thuế và không còn hoạt động tại địa phương thì Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính chấp nhận đã thực hiện xong các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Cụ thể, theo Hải quan TP Hồ Chí Minh hiện các trường hợp nợ khó thu đơn vị gặp phải vướng mắc như: Các chi cục không thể thực hiện đủ các bước cưỡng chế; ra quyết định ấn định thuế theo kết luật của Thanh tra nhưng thực tế chi cục không có hồ sơ theo dõi, chỉ căn cứ trên hệ thống; hồ sơ nợ thuế các chi cục đã làm thất lạc một phần hoặc thất lạc toàn bộ hồ sơ hoặc thiếu chứng từ do quá trình luân chuyển hồ sơ, luân chuyển công chức, không bàn giao cụ thể. Vì vậy, Hải quan TP Hồ Chí Minh đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, chỉ đạo các nội dung nêu trên.

Trả lời vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan cho biết, một trong những điều kiện để xem xét xóa nợ là áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế và được sửa đổi bổ sung tại khoản 26, Điều 1, Luật số 21/2012/QH13. Tuy nhiên, một số biện pháp như: “Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Kê biên tài sản, thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi  hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ… ” không thể thực hiện được.

Do vậy, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau: Căn cứ khoản 3, Điều 136, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 69, Điều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 như sau: “Hồ sơ đề nghị xoá nợ gồm: Hồ sơ cưỡng chế nợ thuế chứng minh đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không có khả năng thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc không thực hiện được các biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 65, Luật Quản lý thuế được bổ sung tại khoản 20, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13: 01 bản chụp”.

Theo đó, trường hợp đơn vị đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không thực hiện cưỡng chế được thì cơ quan quản lý thuế phải có văn bản, giấy tờ chứng minh việc đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng không có khả năng thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc không thực hiện được các biện pháp cưỡng chế để bổ sung vào hồ sơ xóa nợ của DN.

Xóa nợ với doanh nghiệp nhà nước đã giải thể

Thực hiện xóa nợ thuế theo Thông tư số 179/2013/TT-BTC ngày 2/12/2013 của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại điểm b bước 1  mục 1.1 phần IV về xóa nợ thuế theo Quyết định số 1503/QĐ-TCHQ, Hải quan các địa phương đã chỉ đạo các chi cục rà soát tất cả các trường hợp còn thiếu chứng từ là Quyết định giải thể, phá sản, cổ phần hóa… Tổ chức nhóm công tác liên hệ và báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, Tòa án xác nhận về việc DN đã giải thể, phá sản và không hoạt động. Tuy nhiên, các đơn vị Hải quan gặp khó khi mà cơ quan chủ quản của các DN giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa không hỗ trợ cung cấp bản sao y văn bản có liên quan.

Hướng dẫn vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với DN nhà nước đã thực hiện giải thể nhưng không còn lưu (hoặc bị thất lạc) quyết định giải thể thì yêu cầu liên hệ với cơ quan chủ quản của DN là: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ chủ quản chuyên ngành để được cung cấp bản sao y văn bản có liên quan.

Đối với các DN đã thực hiện sáp nhập hoặc thực hiện cổ phần hóa thì đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nghiên cứu Điều 55 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại DN để xác định trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của DN trên cơ sở các giấy tờ được DN cung cấp chứng minh việc chuyển nợ giữa các bên có liên quan.

Trường hợp cơ quan chủ quản của các DN không hỗ trợ cung cấp các bản sao y có liên quan thì các DN này phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

Thanh toán nợ theo Luật Phá sản

Theo quy định của Luật Phá sản, cơ quan Hải quan (chủ nợ) có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với DN không thực hiện thanh toán nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, nhưng phải nộp tiền lệ phí phán sản và tạm ứng chi phí phá sản. Theo đó, việc yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải là biện pháp quản lý nợ.

Vì vậy, để đảm bảo việc thực hiện thanh toán nợ theo Luật Phá sản được thống nhất, có hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chủ động theo dõi, cập nhật tình hình thông tin tình trạng hoạt động và tài sản của DN. Chỉ thực hiện thanh toán nợ theo Luật Phá sản khi có thông tin DN đang mở thủ tục phá sản thì kịp thời có văn bản thông báo đến Tòa án nơi DN mở thủ tục phá sản để phối hợp thu hồi nợ thuế theo thứ tự thanh toán của Luật Phá sản.

Trường hợp DN bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của Luật Phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì cơ quan Hải quan nơi phát sinh khoản nợ căn cứ Điều 65, 66 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20, 21 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13), Điều 32 Nghị định 83/2013/NĐ-CP và Điều 136 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 69 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) để hoàn thiện hồ sơ xóa nợ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét xóa nợ theo quy định.

Theo Báo Hải quan