Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4/2018 mới nhất của Việt Nam
Trong tháng 4/2018 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kim ngạch 35,57 tỷ USD, giảm 11,1% so với kết quả thực hiện của tháng 3 trước đó. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 18,37 tỷ USD, giảm 13,1% so với tháng trước, nhập khẩu hàng hóa vào nước ta đạt 17,20 tỷ USD, giảm 8,9%, theo thống kê của Tổng cục Hải quan.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 4 năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2% và nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng thời gian năm trước.
Với kết quả xuất nhập khẩu nêu trên, cán cân thương mại hàng hóa của nước trong tháng 4/2018 có mức thặng dư 1,16 tỷ USD, qua đó làm cho cán cân thương mại hàng hóa cả nước 4 tháng từ đầu năm 2018 có mức thặng dư 3,89 tỷ USD.
Diễn biến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cán cân thương mại theo tháng từ tháng 01/2017 đến tháng 4/2018
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 4/2018 đạt 22,51 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 93,92 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 11,31 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 12,7 tỷ USD, giảm 16,7% so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu của khối này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 lên 52,44 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng thời gian năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2018 đạt 9,81 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 41,48 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2018 đạt mức thặng dư 2,89 tỷ USD, qua đó đưa cán cân thương mại của nhóm doanh nghiệp này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 lên mức thặng dư 10,96 tỷ USD.
2. Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu
Thị trường xuất khẩu: trong 4 tháng năm 2018, có 18 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó có 8 thị trường đạt trên 2 tỷ USD.
Trong số các thị trường có kim ngạch trên 1 tỷ USD thì xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 104,3% (chủ yếu do xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 606 triệu USD) và chỉ có thị trường Ma-lai-xi-a là giảm 4% so với cùng thời gian năm 2017.
Thị trường nhập khẩu: trong 4 tháng năm 2018, có 11 thị trường Việt Nam đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 2 tỷ USD.
Trong số các thị trường lớn này, Ma-lai-xi-a đang dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 2,47 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng thời gian năm trước. Trong đó, chủ yếu tăng do nhập khẩu xăng dầu (đạt 768 triệu USD, tăng mạnh 115% so với cùng kỳ năm 2017).
3. Hàng hóa xuất khẩu
Sau kỷ lục xuất khẩu đạt được ở tháng trước, xuất khẩu trong tháng 4/2018 đã giảm khá mạnh (13,1%), đạt trị giá 18,37 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2018 có 36/46 nhóm hàng giảm so với tháng trước. Trong đó, những nhóm hàng xuất khẩu lớn như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… đều giảm mạnh so với tháng trước.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, xuất khẩu cả nước tiếp tục giữ được mức tăng khá cao 19,2% tương ứng tăng 11,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng năm 2018 có 17/46 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD của Việt Nam trong 4 tháng năm 2018 đều tăng so với cùng thời gian năm trước, các nhóm hàng tăng mạnh như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sắt thép các loại; gạo…
Một số nhóm hàng xuất khẩu chính:
Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 3,48 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 16,08 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Liên minh châu Âu (EU 28 nước) đạt 4,56 tỷ USD, tăng 28% so với cùng thời gian năm trước. Xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 1,79 tỷ USD; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,71 tỷ USD, tăng 23,5%.
Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng 4 đạt 2,15 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm đạt 8,48 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng từ đầu năm 2018, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với trị giá đạt 2,35 tỷ USD, tăng 28,4%; xuất khẩu sang EU đạt trị giá 1,58 tỷ USD, tăng 12%; sang Hàn Quốc đạt trị giá 884 triệu USD, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng dệt may: xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,12 tỷ USD, giảm 8,7% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2018 đạt 8,53 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 1,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,06 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 47,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,12 tỷ USD, tăng 19,2%; thị trường EU tiêu thụ 1,11 tỷ USD, tăng 19,2%.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 đạt 1,36 tỷ USD, giảm 8,4% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 5,03 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 4 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 842 triệu USD, tăng 3,6%; sang EU đạt trị giá 724 triệu USD, tăng 47,3%; Ấn Độ với 710 triệu USD, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Giày dép các loại: xuất khẩu giầy dép các loại trong tháng 4/2018 đạt 1,26 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 1,76 tỷ USD, tăng 16,4%; sang EU đạt trị giá 1,34 tỷ USD, giảm 1,1%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 422 triệu USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 đạt kim ngạch 693 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng từ đầu năm 2018 được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch 1,05 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; sang Trung Quốc với 367 triệu USD, tăng 3%; sang Nhật Bản với 351 triệu USD, tăng 2,2%; …
Hàng thủy sản: trị giá xuất khẩu trong tháng là 684 triệu USD, giảm 2,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm nay đạt 2,45 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang EU(28 nước) đạt trị giá 434 triệu USD, tăng 25%, xuất sang Hoa Kỳ đạt 378 triệu USD, tăng 5,7%; sang Nhật Bản đạt 376 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Phương tiện vận tải và phụ tùng: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 627 triệu USD, giảm 13,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm đạt 2,65 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm gồm: Nhật Bản với trị giá đạt 756 triệu USD, tăng 14,5%; sang Hoa Kỳ đạt 359 triệu USD, tăng 13,8%; sang Singapore đạt trị giá 154 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại: lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng đạt 482 nghìn tấn, trị giá gần 370 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 5,2% về trị giá. Với kết quả xuất khẩu của tháng 4 làm cholượng xuất khẩu mặt hàng này trong 4 tháng/2018 đạt 1,91 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 61,7% về trị giá.
Sắt thép các loại 4 tháng đầu năm chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Campuchia với 374 nghìn tấn, trị giá đạt 238 triệu USD, tăng 43,8% về lượng và 66,6% về trị giá; sang Hoa Kỳ với 290 nghìn tấn, trị giá 244 triệu USD, tăng 115% về lượng và 123,7% về trị giá; sang Indonexia đạt gần 265 nghìn tấn, trị giá đạt 208 triệu USD, tăng 33% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê: lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt gần 156 nghìn tấn, trị giá đạt 298 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 23,1% về trị giá. Với kết quả xuất khẩu của tháng 4 làm cho lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 4 tháng/2018 đạt 685 nghìn tấn với trị giá đạt gần 1,33 tỷ USD, tăng 17% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm chủ yếu sang các thị trường: EU (28 nước) với hơn 282 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 528 triệu USD, tăng 1,7% về lượng nhưng giảm 14% về trị giá; sang Hoa Kỳ với gần 77 nghìn tấn, trị giá hơn 147 triệu USD, giảm 15,2% về lượng và 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lượng xuất khẩu mặt hàng này sang Indonexia trong 4 tháng/2018 tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017 với 51 nghìn tấn và trị giá đạt 98 triệu USD, tăng gấp 11,9 lần về lượng và tăng 9,4 lần về trị giá.
4. Hàng hóa nhập khẩu
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4/2018 của Việt Nam là 17,2 tỷ USD, giảm 8,9% về số tương đối và giảm 1,67 tỷ USD về số tuyệt đối. Trong tháng 4/2018, có tới 39/53 nhóm hàng nhập khẩu chính giảm so với tháng trước. Trong đó, giảm mạnh ở các nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 974 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng giảm 268 triệu USD, kim loại thường khác giảm 175 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu giảm 161 triệu USD, xăng dầu các loại giảm 152 triệu USD…
Trong 4 tháng năm 2018, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 6,06 tỷ USD về số tuyệt đối). Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh ở 5 nhóm hàng là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,17 tỷ USD, xăng dầu các loại tăng 679 triệu USD, kim loại thường khác tăng 455 triệu USD, vải các loại tăng 430 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu tăng 425 triệu USD.
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính:
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Hàn Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng năm 2018.
Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 là 2,72 tỷ USD, giảm 26,3% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng năm 2018 lên 13,14 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 12,2 tỷ USD, tăng 21,6% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 935 triệu USD, hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng năm 2018 với trị giá là 5,83 tỷ USD, tăng 34,2%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 2,10 tỷ USD, tăng 0,5%; Nhật Bản: 1,16 tỷ USD, tăng 29,3%; Đài Loan: 1,07 tỷ USD, tăng 0,7%…
Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác: kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2018 đạt 2,45 tỷ USD, giảm 9,8% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 10 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trong 4 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với 3,38 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc với 1,91 tỷ USD, giảm 42,2%; nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 1,41 tỷ USD, tăng 1%…
Điện thoại các loại và linh kiện: nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 961 triệu USD, giảm 2% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 4,28 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Điện thoại các loại và linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 2,56 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 1,49 tỷ USD, tăng 4,4%…
Vải các loại: nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 23,1% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng từ đầu năm 2018 đạt 3,76 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vải các loại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với hơn 2 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc với 669 triệu USD, tăng 10,3%; từ Đài Loan với 513 triệu USD, tăng 2,5%…
Sắt thép các loại: trong tháng nhập khẩu nhóm hàng này là 1,16 triệu tấn, trị giá 844 triệu USD, tăng 11,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá. Tính đến hết tháng 4/2018, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 4,28 triệu tấn, trị giá 3,03 tỷ USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại trong 4 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 1,82 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, giảm 33,2% về lượng và giảm 12,4 về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Nhật Bản với 708 nghìn tấn, trị giá 486 triệu USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 7,4% về trị giá; từ Hàn Quốc với gần 595 nghìn tấn, trị giá 474 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và 21,6% về trị giá…
Xăng ầu các loại: lượng nhập khẩu trong tháng là 976 nghìn tấn, trị giá là 632 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 19,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4 năm 2018, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 4,36 triệu tấn, tăng 10,7%, trị giá nhập khẩu là gần 2,82 tỷ USD, tăng 31,8% so với 4 tháng/2017.
Trong 4 tháng năm 2018, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Ma-lai-xi-a: 1,3 triệu tấn, tăng 69,3%; Hàn Quốc: 1,16 triệu tấn, tăng 16,6%; Xinh-ga-po: 914 nghìn tấn, giảm 43,9%; Trung Quốc: 503 nghìn tấn, tăng 46,2%... so với cùng kỳ năm trước.
Chất dẻo nguyên liệu: nhập khẩu trong tháng của nhóm hàng này đạt 377 nghìn tấn, trị giá 630 triệu USD, giảm 22,4% về lượng và 20,3% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng từ đầu năm 2018 của nhóm hàng này đạt 1,69 triệu tấn, trị giá 2,69 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và tăng 18,8% về trị giá so cùng kỳ năm trước.
Chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ thị trường Hàn Quốc với 295 nghìn tấn, trị giá 506 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Ả Rập Thống Nhất với 333 nghìn tấn, trị giá 419 triệu USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 26% về trị giá….
Kim loại thường khác: nhập khẩu trong tháng đạt 129 nghìn tấn, trị giá 505 triệu USD, giảm 31,9% về lượng và giảm 25,8% về trị giá. Trong 4 tháng/2018 lượng nhập khẩu kim loại thường khác đạt 579 nghìn tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Kim loại thường các loại nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ Hàn Quốc với 122 nghìn tấn, trị giá 494 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và tăng 5% về trị giá; Trung Quốc với 106 nghìn tấn, trị giá 354 triệu USD, giảm 7,6% về lượng nhưng tăng 17,5% về trị giá; …
Sản phẩm từ chất dẻo: nhập khẩu trong tháng có trị giá 416 triệu USD, giảm 13,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 4 tháng đầu năm đạt 1,76 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 629 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất xứ từ Hàn Quốc với 528 triệu USD, tăng 5%; xuất xứ từ Nhật Bản với 254 triệu USD, tăng 5,9%.
Nguyên phụ liệu dệt may, da, giày: nhập khẩu trong tháng đạt trị giá 497 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng trước, qua đó đưa trị giá nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 1,74 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018 nhập khẩu nhóm hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 646 triệu USD, giảm 2,1%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 226 triệu USD, giảm 5,3%; xuất xứ Đài Loan với 148 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải Quan