Đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam diễn ra ngày 24/10/2017 tại Hà Nội.
Hội nghị thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, sản phẩm từ thiên nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up). Các doanh nghiệp này cho biết, để sản phẩm của họ được phân phối rộng rãi và đến tay người tiêu dùng là một quá trình gian nan. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, có mặt trên thị trường khá lâu nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các nhà phân phối, đưa hàng vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp. Đối với các start up thì công việc này còn khó khăn hơn bội phần.
Ông Lê Ngọc Anh- chủ cơ sở mắm truyền thống Lê Gia (Thanh Hóa) cho biết, hoạt động sản xuất đã 3 năm nay với các sản phẩm chế biến từ cá, được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, sạch. Chủ cơ sở Lê Gia chia sẻ, những ngày đầu, chúng tôi đã phải “mòn giày” đi quảng cáo sản phẩm tại những chuỗi siêu thị, nhà hàng, trường học lớn nhỏ trên cả nước. Hiện nay, sau gần 3 năm, sản phẩm nước mắm, mắm tép… thương hiệu Lê Gia đã cung cấp vào hệ thống bếp ăn của một số trường học, nhà hàng. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa thể đưa sản phẩm vào siêu thị vì nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của siêu thị.
Còn ông Vũ Hải Châu- Trưởng phòng marketing Công ty DTK chuyên kinh doanh các sản phẩm trứng gà cho biết, để hàng hóa vào được hệ thống siêu thị, khó khăn nhất là thuyết phục và chứng minh với các nhà phân phối rằng sản phẩm của công ty là sản phẩm sạch và đáp ứng đầy đủ các chỉ số tiêu chuẩn về dinh dưỡng.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, nhiều năm nay, việc kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước vẫn được tiến hành đều đặn, song trong thời hội nhập kinh tế mạnh mẽ và kinh tế số như hiện nay, kết nối cũng cần theo tư duy mới, hiệu quả hơn chứ không thể chỉ làm theo lối mòn, hình thức. Theo bà Loan, sản xuất phải gắn liền với khâu phân phối, để quá trình kết nối đạt hiệu quả cần sự nỗ lực từ cả hai phía nhà sản xuất cung ứng và nhà bán lẻ. Trong đó, các nhà sản xuất, cung ứng cần chủ động hơn nữa, liên hệ với các nhà bán lẻ chứ đừng chờ các nhà bán lẻ tìm đến bởi nếu các DN sản xuất, các start up chỉ sản xuất mà không gắn kết với khâu phân phối thì hàng hóa sẽ không thể tiếp cận được người tiêu dùng.
Đặc biệt, theo bà Loan, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, việc kết nối hàng hóa cũng phải lưu ý ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, bán lẻ trực tuyến …, chỉ khi đó, việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối mới có hiệu quả cao.
Ngay sau hội nghị đã diễn ra lễ ký thỏa thuận nguyên tắc về việc phân phối sản phẩm sản xuất trong nước, giữa các DN sản xuất và DN phân phối.