Doanh nghiệp ở Việt Nam xin nhập khẩu máy bay về để ...gia công và tái xuất

05/02/2018

Doanh nghiệp ở Việt Nam xin nhập khẩu máy bay về để ...gia công và tái xuất

Tổng công ty trực thăng Việt Nam vừa có đề xuất gửi tới các đơn vị chức năng với lý do: nhập một chiếc máy bay về thực hiện gia công, sửa chữa. Sau đó, chiếc máy bay sẽ được tái xuất trở lại cho khách hàng.

Doanh nghiệp đề xuất nhập khẩu một chiếc máy bay trực thăng là công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật trực thăng. Đây là công ty con của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Theo đề xuất thì chiếc máy bay trực thăng và thiết bị phụ tùng đồng bộ sẽ được công ty này đưa từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó được chuyển tới một xưởng sửa chữa tại Vũng Tàu. Sau khi tiến hành tháo rời để bảo dưỡng, sửa chữa hoàn tất, máy bay sẽ được tái xuất trả lại cho khách hàng. Máy bay được chuyển về Việt Nam theo hình thức bay chuyển trường hoặc vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không.

Doanh nghiệp này khẳng định việc nhập khẩu đã đánh giá hết các rủi ro về tài chính, thương mại cũng như được tái xuất đúng thời hạn.

Thủ tục, điều kiện nhập khẩu máy bay về Việt Nam

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhập khẩu vào Việt Nam, máy bay phải được đăng ký quốc tịch.

Thủ tướng đã ký ban hành nghị định của Chính phủ quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với máy bay.

Theo đó, từ ngày 1/10/2015, quy định về việc đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với máy bay tại Việt Nam, bao gồm: đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch máy bay; đăng ký và xóa đăng ký các quyền đối với máy bay; cấp mã số để đăng ký, xóa đăng ký các quyền lợi quốc tế đối với máy bay mang quốc tịch Việt Nam; đăng ký, xóa đăng ký văn bản chỉ định người có quyền yêu cầu xóa đăng ký hoặc xuất khẩu máy bay.

Nghị định không quy định về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với máy bay công vụ, bao gồm máy bay quân sự, máy bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các máy bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước, trừ trường hợp máy bay công vụ được dùng vào mục đích dân dụng.

Đối với máy bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam, máy bay được thuê - mua hoặc thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên để khai thác tại Việt Nam, phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định tại nghị định này.

Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nhập khẩu vào Việt Nam, máy bay phải được đăng ký quốc tịch.

Máy bay được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện:

- Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa đăng ký quốc tịch nước ngoài.

- Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về quyền sở hữu máy bay; quyền chiếm hữu máy bay đối với trường hợp thuê - mua hoặc thuê máy bay.

- Đối với máy bay đã qua sử dụng phải đáp ứng yêu cầu về tuổi của máy bay theo quy định của pháp luật.

- Đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về đảm bảo quốc phòng, an ninh; an toàn hàng không, an ninh hàng không và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng nêu rõ, máy bay bị xóa đăng ký mang quốc tịch Việt Nam khi máy bay bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; máy bay không còn đáp ứng các điều kiện quy định; theo đề nghị của chủ sở hữu máy bay hoặc người đề nghị đăng ký máy bay; theo đề nghị của người được chỉ định...

 

Theo Dân Trí, VnEconomy