Công bố hợp chuẩn, Công bố hợp quy với hàng hoá xuất nhập khẩu là gì, thủ tục đăng ký thế nào?

04/12/2018

Giấy chứng nhận công bố hợp quy

Việc công bố hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp là hoạt động tự nguyện, không có sự bắt buộc của Nhà nước. Nhưng việc công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa đặc thù lại là một yêu cầu bắt buộc. Vậy công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy là gì, tiêu chuẩn kỹ thuật là gì, thủ tục đăng ký thế nào?

Công bố hợp chuẩn là gì?

“Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.” 

(theo Khoản 8, Điều 3, Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) 

Khái niệm này được quy định cụ thể hơn tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ:

“Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.”

Thông tư đó cũng nêu rõ: công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện, không bắt buộc với hàng xuất nhập khẩu. Do đó, nhà nhập khẩu tự cân nhắc có muốn làm công bố cho hàng của mình hay không.

Thực tế thì tôi cũng ít thấy chủ hàng làm công bố hợp chuẩn cho hàng nhập khẩu của mình. Có chăng họ chỉ làm sau khi hàng đã nhập xong, trước khi phân phối ra thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng làm cho hàng sản xuất trong nước.

Nếu doanh nghiệp muốn làm hợp chuẩn, thì thủ tục gồm 1 số bước chính như sau:

  1. Đánh giá sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn nào: doanh nghiệp tự đánh giá hoặc thông qua 1 tổ chức chứng nhận. Nếu việc đánh giá do 1 tổ chức chứng nhận đã đăng ký tiến hành, thì Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức đó cấp sẽ được xác nhận bằng dấu hợp chuẩn. Nếu doanh nghiệp tự đánh giá, thì không được sử dụng dấu hợp chuẩn.
  2. Đăng ký hồ sơ hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Bổ sung chỉnh sửa để hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
  3. Chi cục TCĐLCL ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho Doanh nghiệp.

Công bố hợp quy là gì?

“Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng” 

(theo Khoản 9, Điều 3, Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật)

Cụ thể hơn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn tương ứng, theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc, là điều kiện tiên quyết để đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường.

Nhà nhập khẩu cần nắm rõ hàng hóa của mình có thuộc đối tượng phải công bố hợp chuẩn hay công bố hợp quy hay không, căn cứ như sau:

  • Đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (gọi là sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) thì các Bộ ngành sẽ quy định cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bắt buộc áp dụng. Cần căn cứ vào danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được các Bộ ban hành công bố để nhận biết. Các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa của mình.
  • Đối với sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn (gọi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1) thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần công bố hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa của mình. Như trên đã nói, hoạt động đó là tự nguyện, không bắt buộc.

Như vậy, nếu hàng bạn định nhập khẩu thuộc diện phải công bố hợp quy (hàng nhóm 2) thì cần thực hiện sớm, tránh trường hợp hàng chờ công bố phải nằm ở cảng gây phát sinh thời gian, chí phí.

Các bước làm thủ tục công bố hợp quy như sau (xem chi tiết trong Thông tư 28):

  1. Đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Doanh nghiệp có thể tự đánh giá, hoặc thông qua tổ chức chứng nhận được chỉ định để tiến hành thực hiện.
  2. Chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp quy tới tổ chức chứng nhận (có thể gửi tới Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng hoặc trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhất định). 
  3. Sau khi tiến hành đánh giá, kiểm nghiệm và thẩm xét hồ sơ thì tổ chức chứng nhận sẽ cấp giấy chứng nhận hợp quydấu hợp quy và hướng dẫn sử dụng dấu cho chủ hàng. 

    Ảnh giấy chứng nhận hợp quy
  4. Nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định. Hồ sơ gồm:
    - Bản công bố hợp quy (theo mẫu)
    - Đăng ký kinh doanh
    - Giấy chứng nhận hợp quy (nêu trên)
    - Giấy tờ khác (nếu doanh nghiệp tự đánh giá): quy trình sản xuất, phiếu kết quả thử nghiệm mẫu, báo cáo đánh giá hợp quy...
  5. Cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy.

Thường thì với nhà nhập khẩu, có 3 yếu tố quan trọng cần lưu ý:

  1. Giấy phép nhập khẩu: hàng có bị cấm không, có bị hạn chế nhập không
  2. Công bố hợp quy, hợp chuẩn: hàng có thuộc danh mục phải công bố hợp quy trước khi nhập khẩu không
  3. Kiểm tra chuyên ngành: hàng có phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan không

Tôi hay tư vấn cho khách hàng mới cần xem xét 3 vấn đề trên trước khi quyết định nhập khẩu. Nếu hàng thuộc diện nêu trên, thì cần chuẩn bị sớm về chứng từ, thủ tục. Mục 1 và 2 thường làm trước khi hàng về cảng. Còn mục 3 thì khi hàng về cảng sẽ tiến hành lấy mẫu để kiểm tra.

Trong bài viết này, tôi chỉ thảo luận về nội dung mục thứ 2 - hợp chuẩn, hợp quy với hàng xuất nhập khẩu. Bạn có thể tham khảo 2 nội dung kia trong bài viết tương ứng về: Giấy phép nhập khẩu, và Kiểm tra chuyên ngành.

Vậy, công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy là gì? Có gì khác nhau giữa 2 khái niệm này?

Vì hợp chuẩn liên quan đến các tiêu chuẩn, còn hợp quy thì liên quan đến các quy chuẩn kỹ thuật, nên tôi sẽ nói về 2 khái niệm cơ bản trước: tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Tiêu chuẩn là gì?

“Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyên áp dụng.”

(theo Khoản 1, Điều 3, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật)

Theo như trên, thì tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, khi toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn cụ thể được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật thì trở thành bắt buộc áp dụng.

Nói vậy có nghĩa là, nếu bạn nhập khẩu hàng hóa thì có thể bỏ qua phần tiêu chuẩn này, khi nếu chỉ xét tới việc thông quan hàng hóa.

Quy chuẩn kỹ thuật là gì?

“Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu cần thiết khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng”.

(theo Khoản 2, Điều 3, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) 

Như vậy, Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tất nhiên gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Là nhà nhập khẩu (hay nhà sản xuất), bạn cần lưu ý thông thường yêu cầu chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn không được thấp hơn các quy định kỹ thuật tương ứng cho cùng loại sản phẩm nêu trong quy chuẩn.

Sau khi hiểu về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, giờ ta sẽ nói đến nội dung chính của bài này…

Lợi ích của việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy

Thực ra, ngoài việc đáp ứng quy định của nhà nước, việc doanh nghiệp làm công bố hợp chuẩn, hợp quy cũng đem lại cho doanh nghiệp những lợi thế nhất định, chẳng hạn:

  • Hàng hóa có công bố hợp chuẩn, hợp quy tạo được niềm tin ban đầu về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, nhất là khi chủ hàng muốn tham gia thầu hay khi cung cấp sản phẩm vào các dự án, công trình lớn.
  • Chứng từ về công bố sản phẩm cũng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
  • Giúp nâng cao uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, hoặc nhập khẩu, cũng như cho sản phẩm – hàng hóa

Vẫn biết là có những lợi ích như vậy, nhưng như tôi thấy, hầu hết các công ty xuất nhập khẩu đều rất ngại va vào những thủ tục này. Lý do chủ yếu là gây phát sinh chi phí, thời gian, và cả công sức.

Cho dù thế nào, nếu hàng thuộc diện bắt buộc phải làm công bố hợp quy, thì chắc chắn khi nhập khẩu bạn cần biết trước và tuân thủ. Còn nếu hàng chỉ thuộc diện khuyến khích tự nguyện, thì làm công bố hay không là quyết định của công ty bạn.

THÔNG TƯ 41 BỘ GTVT: DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN

Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải vừa được ban hành theo Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT. Thông tư 41/2018/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2018, thay thế Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016.

Tại Thông tư này, Bộ GTVT đã ban hành 2 Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn với tổng số 194 loại. Cụ thể:

- Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận trước khi thông quan (đối với hàng hóa nhập khẩu) và trước khi đưa ra thị trường (đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp) gồm có 31 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:

+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ: Ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (15 loại); xe mô tô (01 loại), xe máy chuyên dùng (11 loại).

+ Lĩnh vực đường sắt: 4 loại

Đối với 31 sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục này nếu nhập khẩu phải được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi thông quan. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận, công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.

- Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy gồm có 163 loại sản phẩm, hàng hóa, bao gồm:

+ Lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ, phụ tùng, bao gồm: ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc (20 loại); xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy (4 loại); xe bốn bánh có gắng động cơ (1 loại); xe máy chuyên dùng (26 loại); phụ tùng (18 loại).

+ Lĩnh vực phương tiện, thiết bị thăm dò khai thác dầu khí biển (4 loại), trong đó có  giàn cố định trên biển, khó chửa nổi, giàn di động, hệ thống đường ống biển, phao neo dầu khí.

+ Lĩnh vực biển ( 4 loại), trong đó có tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan…, tàu kéo, tàu đẩy, tàu đèn hiệu, tàu cứu hộ…tàu thuyền khác…

+ Lĩnh vực phương tiện thủy nội địa (4 loại)  như: tàu thủy chở khách, du thuyền, phà, tàu thủy chở hàng, xà lan, tàu kéo, tàu đẩy…

+ Lĩnh vực hạ tầng thủy nội địa (1 loại) gồm cầu kiện nổi khác ( bè mảng, thùng chứa chất lỏng, cầu lên bở, các loại phao nổi và mốc hiệu…)

+ Lĩnh vực đường sắt ( 8 loại), trong đó có phương tiện chuyên dùng, toa xe hành lý, toa xe bưu vụ, toa xe hàng ăn…

+ Lĩnh vực sản phẩm công nghiệp dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển (73 loại), đơn cử như: kính cho tàu thủy và thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí biển, tổ hợp máy phát dưới 50 kVA, máy phát dưới 50 kVA, biến áp dưới 50 kVA, nhựa, cao su…

Đối với 163 sản phẩm, hàng hóa nêu trên, nếu nhập khẩu phải có chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường. Đối với sản phẩm trong nước phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.

Việc áp mã số HS được xác định từ thời điểm ngày 15/9/2018. Đối với hàng hóa nhập  khẩu là ngày mở tờ khai Hải quan hoặc ngày cập cảng, ngày về đến cửa khẩu Việt Nam. Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước là ngày xuất xưởng.

Xem chi tiết Thông tư 41 TẠI ĐÂY

Theo Container-transportation/Bộ GTVT