Chính sách, quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ tháng 1/2018
Doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam được ưu đãi thuế
Ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Theo quy định mới, chương trình ưu đãi thuế được áp dụng đối với doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.
Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bao gồm:
- Công văn đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế theo Mẫu số 05 (01 bản chính) quy định tại Phụ lục II;
- Giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật của nhà máy (01 bản chụp có chứng thực).
Nghị định 125/2017/NĐ-CP bãi bỏ Khoản 2 Điều 4 và các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Ô tô trên 7 đến 9 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường
Theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng thì xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc NK chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cơ sở sản xuất, lắp ráp và NK xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong các trường hợp sau:
- Xe sản xuất, lắp ráp thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước 01/01/2018 theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.
- Xe NK thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước 01/01/2018 theo Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.
Thông tư 40/2017/TT-BGTVT không áp dụng đối với các xe trực tiếp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, xe ngoại giao, lãnh sự...
Luật quản lý ngoại thương có hiệu lực từ 01/01/2018
Trong đó có nhiều quy định nổi bật về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương, giải quyết tranh chấp.
Đáng chú ý, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ lần đầu tiên được đưa vào luật.
Luật quản lý ngoại thương quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong Luật cũng quy định cụ thể về các biện pháp hành chính như sau:
- Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu;
- Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu;
- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
- Chứng nhận lưu hành tự do;
- Các biện pháp khác.
Bãi bỏ một số quy định về xuất nhập khẩu
Ngày 08/12/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Theo đó, thực hiện bãi bỏ một số quy định và văn bản về lĩnh vực xuất nhập khẩu sau đây:
- Chương IV của Thông tư 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
- Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ trở xuống.
- Thông tư 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT.
Bên cạnh đó, Thông tư 28/2017/TT-BCT cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về kinh doanh xăng dầu; quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; quy định về xuất khẩu khoáng sản, xuất khẩu than…
Thông tư số 28/2017/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Theo Tổng cục Hải quan