Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm NK khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra, chẳng hạn như các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Theo nội dung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm NK được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây. Với phương thức kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Phương pháp kiểm tra giảm áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lô hàng đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước XK đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; DN đã có 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng đạt yêu cầu NK theo phương thức kiểm tra thông thường; được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.
Còn kiểm tra thông thường áp dụng đối với tất cả mặt hàng của lô hàng NK, trừ trường hợp quy định.
Phương thức kiểm tra chặt áp dụng đối với lô hàng, mặt hàng nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu NK tại lần kiểm tra trước đó; lô hàng, mặt hàng không đạt yêu cầu trong các lần thanh tra, kiểm tra (nếu có); có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, Nghị định 15/NĐ-CP quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về thực phẩm NK bao gồm: Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyển đi;
Thực phẩm NK là quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế NK theo quy định của pháp luật về thuế; sản phẩm NK dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân;
Những thực phẩm NK sử dụng để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, NK chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng XK hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; hay sản phẩm tạm NK để bán tại cửa hàng miễn thuế và hàng hóa NK phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên, khoảng 95% lô hàng thực phẩm NK sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Điều này giúp tiết kiệm được khoảng 7 triệu ngày công và khoảng 3.000 tỉ đồng.