4 giải pháp cải cách công tác hải quan

29/11/2017

Tiến tới chuẩn mực thế giới

Trong báo cáo vừa gửi đến đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Công tác xây dựng thể chế, hiện đại hoá, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh tiến tới các chuẩn mực hải quan thế giới.

Trong đó tập trung vào hệ thống pháp luật điều chỉnh công tác hải quan đã được xây dựng đồng bộ, bao gồm Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu nhập khẩu, các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở áp dụng nhiều chuẩn mực thương mại và quản lý hải quan trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhằm tạo bước đột phá của quá trình cải cách hành chính đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai “Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN” và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành. 

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các chuẩn mực quốc tế, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hải quan...

Đáng chú ý, trong trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, thời gian thông quan tại cửa khẩu với hàng hóa xuất khẩu giảm được 3 giờ. Đối với hàng hóa nhập khẩu giảm được 6 giờ. Chi phí thông quan tại một lô hàng giảm được 19 USD và 10 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng thế giới ước tiết kiệm được 170 triệu USD cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính đã chỉ đạo lực lượng Hải quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh.

Tạo chuyển biến mạnh trong chống buôn lậu

Bộ Tài chính đánh giá: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, song hoạt động hải quan cũng còn có những tồn tại, hạn chế.

Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có những trường hợp chưa được ban hành kịp thời, có độ trễ so với thực tế của môi trường kinh doanh. Đặc biệt, hệ thống hàng rào kỹ thuật, quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan cần tiếp tục cải thiện để đảm bảo yêu cầu quản lý hải quan, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, nhưng đồng thời hạn chế làm phiền hà doanh nghiệp.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, hiệu quả thấp; phạm vi và đối tượng kiểm tra chuyên ngành còn rộng; nhiều mặt hàng phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý do một bộ hoặc nhiều bộ quy định; việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu thủ công, ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế...

Việc kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp logistic, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan còn hạn chế do thiếu đồng bộ trong hạ tầng kỹ thuật.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, kim ngạch thương mại tăng nhanh, phương thức giao dịch thương mại có nhiều thay đổi, những nguy cơ mất an ninh kinh tế, an ninh an toàn xã hội và yêu cầu đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng cần tập trung triển khai tốt 4 giải pháp trong tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về hải quan theo hướng đơn giản, minh bạch hơn, ổn định hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ nghiệp vụ hải quan. Trước mắt, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không; nâng cao hiệu quả việc tiếp nhận thông tin và phân luồng kiểm tra giám sát hải quan; đầu tư trang bị thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác kiểm tra giám sát hàng hóa và đấu tranh chống buôn lậu.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các Bộ ngành mở rộng việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ tư, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, hạn chế hình thành các điểm nóng. Thực hiện các giải pháp chống thất thu qua giá, qua mã số, thanh tra, kiểm tra sau thông quan...

Theo Báo Hải Quan